Xuất hiện từ năm 2014, đến nay cũng thuộc vào hàng “có tuổi”. Liệu Sony Mirrorless A6000 đã lỗi thời hay chưa? Đây là đánh giá của Review Máy Ảnh nhé!
Đánh giá Sony A6000: Thông Số Kĩ Thuật
- Ngàm ống kính: E-mount (tương thích cả FE)
- Mã hiệu máy: ILCE-6000
- Cảm biến: CMOS Exmor 24,3 megapixel, kích thước APS-C
- Bộ xử lí hình ảnh: BIONZ X
- Màn hình LCD: Xtra Fine 3″ độ phân giải 921,600 điểm ảnh, lật lên và xuống
- Ống ngắm điện tử (EVF): 1″ OLED, độ phân giải 1,44 triệu điểm ảnh, phủ 100%, phóng đại 1,07x
- ISO: 100 – 25.600
- Tốc độ màn trập: 1/4000 giây
- Lấy nét: lai giữa lấy nét pha và lấy nét tương phản (Fast Hybrid AF)
- Số điểm lấy nét: 179 điểm (pha)
- Tốc độ chụp liên tục: 11 fps
- Đèn flash pop-up
- Chân kết nối mở rộng Multi-Interface (ISO518:2006)
- Kết nối Wi-Fi và NFC
- Cài đặt ứng dụng từ PlayMemories Camera Apps
- Pin: NP-FW50
- Kích thước: 12 x 66,9 x 4,3 cm
- Trọng lượng: 285g (thân máy) – 344g (thân máy, pin và thẻ nhớ)
Đánh giá Sony A6000: Những điểm cộng
Cho tới bây giờ, mình vẫn hoàn toàn khẳng định chắc rằng đây là chiếc máy dòng entry-level đáng đồng tiền bát gạo nhất thị trường. Đặc biệt dành cho những người mới tìm hiểu nhiếp ảnh.
Nước hình mịn, màu sắc thể hiện đậm đà (trừ tông xanh lá), dải màu sâu. Chất ảnh tốt khỏi phải bàn, đơn giản là vì hình ảnh đã được xử lý ngay khi bạn chụp xong.
Lấy nét rất nhanh, nhiều điểm lấy nét. Gọn nhẹ, có thể cho vào balo đem đi học, không cần đeo túi phụ. Nếu bạn đã từng xài qua các dòng máy DSLR khác, mang Sony A6000 sẽ cảm thấy … cực kỳ sung sướng, không phải lo vác nặng.
Tuy nhiên, có điểm mạnh để khen, thì có điểm chưa tốt để chê.
Đánh giá Sony A6000: Những điểm trừ
Tiền mua lens khá chát!
Đây là nỗi khổ chung, và cũng là điều khiến cho người dùng Sony đau đầu và cả … “đau thận”. Tuy nhiên với Sony bạn có thể tin vào cái gọi là “đắt xắt ra miếng”. Giá chat thật, nhưng công nghệ tốt, chất liệu bền là điều bạn hoàn toàn yên tâm và sẽ hài lòng khi sắm cho mình một con lens Sony.
Khung ngắm điện tử (EVF) độ phân giải thấp và thường bị lỗi khi để máy dọc, đặc biệt nếu bạn đã dùng qua dòng máy DSLR có VF lớn.
Kích thước body nhỏ, tuy lợi về khối lượng, nhưng xét về cảm giác tay khi cầm, chắc chắn không thể bì được về độ chắc tay và độ đã khi cầm con flagship DSLR của Canon hay Nikon.
Và thêm nữa, có vẻ đa số mọi người vẫn chuộng “súng to” và xem thường “súng nhỏ”, kích thước đúng là cũng quan trọng nhỉ?
Đánh giá Sony A6000: Ngoại hình
Sony A6000 mang trên mình thiết kế khá giống với NEX-6, nhưng có một vài điểm khác biệt được nhà sản xuất nâng cấp để tăng tính tiện dụng.
Tiêu biểu là việc sử dụng thiết kế hai bánh quay ở phía trên cùng của máy ảnh, 1 để chuyển chế độ chụp và 1 bánh quay phụ để thay đổi cài đặt máy ảnh.
Điều này mang lại một sự thay đổi lớn bởi vì bạn có thể sử dụng bánh quay phụ cho các mục đích khác nhau tùy thuộc vào chế độ bạn đang sử dụng.
Đáng ngạc nhiên, sự đơn giản của việc dùng 2 bánh quay như vậy thường không được nhìn thấy trên các máy DSLR dành cho người mới – người ta sẽ phải chuyển lên máy ảnh DSLR cao cấp hơn để có bố cục quay số kép tương tự.
Đồng thời, với màn hình LCD nghiêng với khả năng nghiêng lên và xuống, có thể rất hữu ích khi chụp ở các góc khác nhau. Sony đã luôn sử dụng các màn hình LCD nghiêng trên các máy ảnh mirrorless, đây cũng là một trong những đặc tính được ưa chuộng nhất.
Tóm lại, Sony A6000 sở hữu đầy đủ tính năng của một máy ảnh chuyên nghiệp vào một chiếc máy ảnh compact với đặc tính nhỏ và nhẹ. Cho đến tận bây giờ, ReviewMayAnh vẫn chắc chắn đây là một trong những chiếc máy ảnh đáng sở hữu nhất.