Một điều các bạn thường quên quan tâm đến khi chọn mua lens, nhưng hậu quả lại nghiêm trọng vô cùng. Đôi khi chỉ vì quên quan tâm đến ngàm ống kính, bạn có thể phải đánh đổi khá nhiều đấy.
Trước hết, hãy cùng Review Máy Ảnh đào sâu vào chi tiết xem ngàm ống kính quan trọng thế nào nhé!
Ngàm ống kính để làm gì?
Ống kính được gắn trực tiếp vào ngàm ống kính, một thiết bị có tính năng như cổng kết nối vào các máy ảnh có khả năng hoán đổi ống kính (hay gọi là máy ảnh ống kính rời).
Mỗi hãng máy ảnh lớn như Canon, Sony, Nikon… đều có một chuẩn riêng biệt được tính toán đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng, độ chính xác về quang học cao nhất.
Không chỉ vậy, từng dòng máy khác nhau của cùng một hãng có thể sử dụng các loại ngàm khác nhau, chẳng hạn với máy ảnh Canon DSLR, chúng ta có EF-S và EF.
Hầu hết các ngàm hiện có trên thị trường sử dụng dạng 3 chấu (chân) có hình dáng một cung tròn (bayonet) lệch cung với ngàm trên máy ảnh, tức là ống kính được gắn vào máy ảnh bằng cách định vị 3 chấu trên máy ảnh rồi xoay nhẹ 45-90° tuỳ dòng để cố định lens.
Dạng ngàm này được sử dụng khá phổ biến bởi tính chất đơn giản dễ dàng tháo lắp, giao tiếp phần điện giữa lens và thân máy ổn định và độ chính xác cao.
Ngàm ống kính của mỗi hãng máy ảnh khác nhau thế nào?
Sự khác biệt ngàm ống kính mỗi hãng ngoài tính chất riêng biệt khác nhau: về phần kết nối điện tử, kích thước, cấu trúc hình dáng giao tiếp.
Cơ bản là mỗi hãng sẽ cố gắng vừa tạo chuẩn chung để dễ đồng bộ, vừa có chuẩn riêng để tối ưu hoá cho chính ống kính của mình.
Mỗi dòng ngàm ống kính lại có thể khác nhau vì khoảng cách từ thấu kính đuôi đến cảm biến khác nhau, để đạt được độ lấy nét đúng khác nhau. Nên, không phải cứ gắn ngàm chuyển là chắc chắn sử dụng tốt, mà còn tuỳ.
Có một số hãng máy ảnh phân chia ra các nhóm dùng ngàm ống kính khác nhau. Chẳng hạn mấy ảnh Sony A-mount (ngàm A) dùng gương mờ cải tiến còn máy ảnh Sony E-mount không dùng gương phản chiếu.
Nên, sự khác biệt giữa ống kính A-mount và E-mount là distance flange là khoảng cách từ ngàm sau ống kính đến mặt phẳng cảm biến; nhiều máy ảnh A-mount là thiết kế SLR truyền thống có kính ngắm phản xạ giữa phần sau của ống kính và cảm biến, chúng cần có không gian cho kính ngắm.
Trong khi máy ảnh E-mount không có kính ngắm phản xạ, do vậy có thể được thiết kế với distance flange ngắn hơn nhiều và do đó ống kính tổng thể nhỏ hơn.
Dùng ngàm chuyển, có nên không?
Nhu cầu sử dụng ngàm chuyển đổi phát triển mạnh mẽ từ khi hệ thống máy ảnh không gương lật ra đời. Thời kỳ năm 2011 sau khi chiếc Nex của Sony ra đời, một phần khan hiếm ống chính hãng, cũng chính là thồi gian ngàm chuyển lên ngôi.
Qua ngàm chuyển đổi, hầu hết đều gây ra khoảng distance flange khác với khoảng chuẩn lấy nét.
Ví dụ be bé, giả dụ bạn rất rất thích, hoặc đã sở hữu chiếc lens canon 24-70L, nhưng xài Sony, bạn có thể sử dụng ngàm chuyển để có thể miễn cưỡng xài được combo này.
Khả năng lấy nét chắc chắn không đạt được mức tối đa tự thân máy ảnh có được do hãng tính toán với ống kính tương thích chuẩn. Nhưng ở mức độ nào đó, chất lượng ảnh vẫn sử dụng tốt.
Nói tóm lại, ngàm chuyển là một trong những yếu tố bạn cần cẩn thận vô cùng khi mua một lens mới, hoặc mua một chiếc máy ảnh mới với ngàm ống kính hoàn toàn khác biệt.
Một câu hỏi nhỏ, bạn sẽ chọn sử dụng chiếc lens bạn yêu thích nhất nhưng phải dùng ngàm chuyển, hoặc dùng một chiếc lens phù hợp nhất với chiếc máy ảnh của bạn lúc đó? Nói cho ReviewMayAnh biết nhé!